Lập Hậu và nhượng vị Hồ_Thiện_Tường

Năm Hồng Hi nguyên niên (1425), tháng 6, Thái tử Chiêm Cơ kế vị, tức Minh Tuyên Tông, Hồ thị được sách lập làm Hoàng hậu. Cả nhà bà được hiển quý, cha bà trở thành Quang lộc khanh (光禄卿); kiêm chức Phiêu Kị tướng quân (骠骑将军); Trung quân Đô đốc phủ Thiêm sự (中军都督府佥事). Anh trai là Hồ An trở thành Phủ tiền vệ Chỉ huy thiêm sự (府前卫指挥佥事)[2]. Tuy làm Hoàng hậu, bà không được Tuyên Tông sủng ái, cũng không có người con trai nào, trong khi đó Tuyên Tông sủng ái hồng nhan tri kỉ từ khi còn trẻ của mình là Tôn Quý phi, do vậy có ý phế Hậu.

Năm Tuyên Đức thứ 3 (1428), mùa xuân, viện việc Hồ Hoàng hậu không sinh con trai, chỉ có hai con gái, nên Minh Tuyên Tông dự bị phế truất ngôi vị Hoàng hậu của Hồ Thiện Tường. Ban đầu, Tuyên Tông vời các đại thần Trương Phụ, Kiển Nghĩa (蹇义), Hạ Nguyên Cát (夏原吉), Dương Sĩ Kì (杨士奇), Dương Vinh (杨荣) được triệu vào cung, Tuyên Tông dụ rằng: ["Trẫm 30 tuổi không con, mà Trung cung nhiều lần không sinh dục được, thân lại mang bệnh. Nay Quý phi có con, nên lập làm người kế thừa, Phu mẫu lấy tử quý, nên để Quý phi vào vị trí Trung cung"]. Sau đó, Tuyên Tông liệt kê khuyết điểm của Hoàng hậu, Dương Vinh tấu nói: ["Có thể phế truất Hoàng hậu"], Tuyên Tông bèn hỏi: ["Chuyện Phế hậu khi xưa có từng xảy ra không?"], và Kiển Nghĩa đáp: ["Tống Nhân Tông từng truất hàng Hoàng hậu Quách thị làm Tiên phi"]. Khi đó, Trương Phụ, Hạ Nguyên Cát cùng Dương Sĩ Kì đều mặc nhiên không nói gì, Tuyên Tông hỏi vì sao, thì họ chỉ đáp: ["Thần đối với Hoàng hậu, giống như con cái phụng dưỡng cha mẹ. Hiện tại Hoàng hậu là mẫu, quần thần là tử, thân là hài tử thì làm sao dám nghị luận phế bỏ mẫu thân"]. Cứ như vậy là tranh luận giữa phe Dương Vinh - Kiển Nghĩa ủng hộ phế truất Hoàng hậu và phe Dương Sĩ Kì đứng đầu phản đối, dẫn lấy chuyện Tống Nhân Tông mà nói đây từng là điều gây chia rẽ quần thần[3].

Ngày hôm sau, Tuyên Tông vời Dương Sĩ Kì và Dương Vinh đến hỏi nghị sự thế nào, Dương Vinh chìa ra một tờ giấy liệt kê 20 điểm xấu của Hoàng hậu có thể dùng làm lý do phế, nhưng cả 20 điều đều là mắng khống. Nhìn đến những "lỗi lầm" mà Dương Vinh đưa ra, cả Tuyên Tông cũng không đồng tình, nói: ["Các ngươi bịa đặt vô cớ giá họa, không sợ thần linh phán xét sao?!"], sau đó quay qua hỏi Dương Sĩ Kì, ông này chỉ đáp: ["Hán Quang Vũ Đế phế truất Quách hậu, chiếu thư rằng: ‘Dị thường sự, phi quốc hưu phúc'. Tống Nhân Tông sau khi phế Quách hậu cũng hết sức hối hận. Xin bệ hạ cẩn trọng"]. Tuyên Tông không vui, nên cho cả hai cùng lui. Những ngày về sau, Tuyên Tông lại triệu một mình Dương Sĩ Kì, vẫn lại chuyện phế truất Hoàng hậu, ông hỏi quan hệ giữa Hoàng hậu và Quý phi thế nào, Tuyên Tông đáp: ["Phi thường hòa thuận thân ái. Nhưng là ta coi trọng Hoàng tử, mà Hoàng hậu thân có bệnh, không thể sinh Hoàng tử. Hiện tại Hoàng hậu sinh bệnh nhiều tháng, Quý phi thường xuyên vấn an, an ủi cực cần"], thế là Dương Sĩ Kì bèn nhân đó đáp: ["Hiện tại nên lấy lý do sinh bệnh mà khuyên nhượng vị Hoàng hậu, như thế cả lễ lẫn tình đều có thể bảo toàn"]. Tuyên Tông gật đầu tỏ vẻ tán đồng. Vài ngày sau, Tuyên Tông lại lần nữa triệu kiến Dương Sĩ Kì, nói: [“Chủ trương của ngươi rất tốt, Hoàng hậu vui vẻ từ vị. Tôn Quý phi không nhận, Thái hậu cũng chưa thuận. Nhưng mà Hoàng hậu vẫn cứ kiên trì từ đi”]. Dương Sĩ Kì nói: [“Nếu như thế, hy vọng Hoàng thượng đối đãi hai vị tương đồng. Năm đó Tống Nhân Tông phế Quách hậu, mà đối Quách thị ân ý thêm hậu”]. Tuyên Tông tán đồng cũng nói: [“Ta sẽ không nuốt lời”]. Vì thế nghị luận phế truất Hoàng hậu Hồ Thiện Tường tiến hành, nhưng xưng là ["Nhượng vị"][4].

Tháng 2 ÂL năm ấy, Minh Tuyên Tông ra chỉ lệnh Hoàng hậu nhượng vị. Án theo tiền lệ Phế hậu của Tống Nhân Tông, Hồ Phế hậu phải ra Trường An cung (長安宮) tu luyện Đạo giáo, hiệu xưng là Tiên sư (仙師). Chỉ dụ viết:

皇后胡氏,自惟多疾,不能承祭养,重以无子,固怀谦退,上表请闲。朕念夫妇之义,拒之不从。而陈词再三,乃从所志,就闲别宫。其称号、服食、侍从悉如旧。贵妃孙氏,皇祖太宗选嫔于朕。十有馀年,德义之茂,冠于后宫。实生长子,已立为皇太子。群臣咸谓《春秋》之义,母以子贵,宜正位中宫。今允所请,册妃孙氏为皇后

.

Hoàng hậu Hồ thị, vốn thân có nhiều bệnh tật, không thể sinh hạ Hoàng tự nối dõi, tự thẹn bản thân vô tự, nên thỉnh lên Trẫm ý nhượng vị Hoàng hậu. Trẫm niệm tình nghĩa vợ chồng mà cự tuyệt, nhưng cứ dâng biểu thỉnh, lại tự nguyện lui đến nhàn cư. Nên cho lệ biệt riêng, phàm ăn mặc và đãi ngộ đều như cũ.

Lại nghĩ Quý phi Tôn thị, là do Hoàng tổ Thái Tông Văn Hoàng đế tuyển cho trẫm. Phụng sự hơn 10 năm nay, đức nghĩa chi mậu, quan khán hậu cung. Đúng lúc sinh được Trưởng tử, nên lập làm Hoàng thái tử. Quần thần đồng lòng xét cái nghĩa Kinh Xuân Thu, "Mẫu dĩ Tử quý", nên cho Quý phi chính vị Trung cung. Đến nay thuận lý thành chương, sách Tôn thị làm Hoàng hậu.

— Chỉ dụ khiển Hoàng hậu Hồ Thiện Tường nhượng vị

Sự kiện phế truất nhưng mang sắc màu nhượng vị này của Minh Tuyên Tông, về sau được gọi là [Tuyên Tông phế hậu; 宣宗廢后].